Con Người Có Thể Sống Mãi Mãi Không?



Con người có thể nào sống đời đời không?
“Thưa thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?”—MA-THI-Ơ 19:16.
1. Có thể nói gì về đời người chúng ta?
VUA Phe-rơ-sơ (Ba Tư) là Xerxes I, mà Kinh Thánh gọi là A-suê-ru, đang duyệt binh trước khi xuất trận vào năm 480 TCN. (Ê-xơ-tê 1:1, 2) Theo sử gia Hy Lạp Herodotus, vua này rơi lệ khi nhìn quân lính của mình. Tại sao? Vua Xerxes nói: “Tôi buồn khi nghĩ đến đời người ngắn ngủi. Một trăm năm nữa tất cả những người lính này sẽ không còn sống nữa”. Chắc chắn bạn cũng đã nhận thấy đời sống ngắn ngủi làm sao và không ai lại muốn già, mắc bệnh và chết. Ôi, ước gì chúng ta có thể hưởng một đời sống với sức khỏe trẻ trung và hạnh phúc!—Gióp 14:1, 2.
2. Nhiều người có hy vọng gì, và tại sao?
Điều đáng chú ý là tạp chí The New York Times Magazine ngày 28-9-1997 trình bày bài “Họ muốn sống”. Bài đó trích dẫn lời của một nhà nghiên cứu: “Tôi thật sự tin rằng chúng ta có thể là thế hệ đầu tiên sống mãi mãi”! Có lẽ bạn cũng tin rằng người ta có thể sống đời đời. Bạn có thể nghĩ vậy vì Kinh Thánh hứa rằng chúng ta có thể sống đời đời ngay trên đất này. (Thi-thiên 37:29; Khải-huyền 21:3, 4) Nhưng một số người tin rằng người ta có thể sống đời đời vì những lý do khác mà Kinh Thánh không đề cập đến. Hãy xem xét vài lý do này vì sẽ giúp chúng ta hiểu rằng con người thật sự có thể sống đời đời.
Tạo ra để sống đời đời
3, 4. (a) Tại sao một số người tin rằng chúng ta có thể sống đời đời? (b) Đa-vít nói gì về sự cấu tạo của ông?
Một lý do mà nhiều người tin rằng con người đáng lẽ có thể sống đời đời liên quan đến cách kỳ diệu mà chúng ta được tạo nên. Thí dụ, cách mà chúng ta được hình thành trong lòng mẹ thật là mầu nhiệm. Một người có thẩm quyền nghiên cứu về sự lão hóa viết: “Sau khi làm phép lạ dẫn chúng ta từ khi còn là bào thai đến lúc sinh ra và rồi đến tuổi dậy thì và trưởng thành, thiên nhiên đã không sáng chế một cách để duy trì phép lạ đó mãi mãi, là cái có vẻ là một tiến trình đơn giản hơn”. Thật vậy, xem xét sự cấu tạo kỳ diệu của chúng ta, vẫn còn một câu hỏi là: Tại sao chúng ta phải chết?
Cách đây vài ngàn năm, người viết Kinh Thánh là Đa-vít đã ngẫm nghĩ về chính những phép lạ này, mặc dù ông không thể thấy được trong tử cung như các khoa học gia ngày nay. Đa-vít ngẫm nghĩ đến sự cấu tạo của chính mình khi viết rằng ông được ‘bảo toàn trong lòng mẹ ông’. Ông nói lúc bấy giờ ‘thận ông được nắn nên’. Và cũng nói “xương cốt” ông được tạo thành khi, như ông nhận xét, mình “được dựng nên trong kín nhiệm”. Rồi Đa-vít nói đến “phôi thai của tôi” và nhận xét về phôi thai đó trong bụng mẹ ông: “Mọi phần của nó đều đã được ghi vào trong đó”.—Thi-thiên 139:13-16NW.
5. Có những phép lạ nào bao gồm trong sự cấu tạo của chúng ta trong bụng mẹ?
Hiển nhiên không có họa đồ theo nghĩa đen ghi sự cấu tạo của Đa-vít trong bụng mẹ ông. Nhưng khi suy ngẫm đến sự thành hình của “thận”, “xương cốt” và các bộ phận trong chi thể mình, Đa-vít thấy sự phát triển của những bộ phận này dường như theo một họa đồ—mỗi phần như thể ‘được ghi vào sách’. Như thể là một tế bào đã thụ tinh trong bụng mẹ có chứa đầy sách với những chỉ dẫn chi tiết về cách cấu tạo một hài nhi và những chỉ dẫn phức tạp này được truyền đi trong mỗi tế bào mới xuất hiện. Vì vậy tạp chí Science World dùng câu ẩn dụ về ‘mỗi tế bào trong phôi thai có một tủ đầy đủ các họa đồ’.
6. Như Đa-vít viết, điều gì chứng tỏ chúng ta được “dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”?
Bạn có bao giờ nghĩ đến hoạt động kỳ diệu của thân thể chưa? Nhà sinh vật học Jared Diamond nhận xét: “Các tế bào trong ruột của chúng ta thay đổi cách vài ngày một lần, tế bào bàng quang mỗi hai tháng một lần và hồng huyết cầu mỗi bốn tháng một lần”. Ông kết luận: “Mỗi ngày thiên nhiên tháo chúng ta ra và ráp chúng ta lại”. Trên thực tế, điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là bất luận chúng ta sống được bao lâu—8, 80 hoặc ngay cả 800 năm—thân thể chúng ta vẫn còn rất trẻ. Một khoa học gia có lần ước lượng: “Mỗi năm có khoảng 98 phần trăm các nguyên tử trong người chúng ta được thay thế bằng những nguyên tử khác mà chúng ta hấp thụ từ trong không khí, thực phẩm và nước uống”. Quả thật, như lời Đa-vít ca tụng, chúng ta được “dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”.—Thi-thiên 139:14.
7. Dựa trên sự cấu trúc của cơ thể chúng ta, một số người đã kết luận gì?
Dựa trên sự cấu trúc của cơ thể chúng ta, một người có thẩm quyền nghiên cứu về sự lão hóa nói: “Không ai hiểu rõ tại sao chúng ta già đi”. Vậy thật ra chúng ta đáng lẽ phải sống đời đời. Và đó là lý do tại sao người ta đang tìm cách dùng kỹ thuật để đạt đến mục tiêu này. Cách đây không lâu, Tiến Sĩ Alvin Silverstein viết một cách đầy tự tin trong sách Conquest of Death (Chinh phục sự chết): “Chúng ta sẽ tìm ra thực chất của sự sống. Chúng ta sẽ hiểu... tiến trình lão hóa như thế nào”. Với kết quả gì? Ông tiên liệu: “Sẽ không còn người ‘già’ nữa, vì kiến thức cho phép người ta chinh phục sự chết cũng sẽ đem lại sự trẻ trung mãi mãi”. Xem xét khoa học hiện đại nghiên cứu cơ cấu cơ thể con người, ý tưởng sống đời đời có phải là xa vời không? Có một lý do khác còn mạnh hơn để tin con người có thể sống đời đời.
Khao khát sống đời đời
8, 9. Trong suốt lịch sử, người ta đều có sự khao khát tự nhiên nào?
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng sống đời đời là sự khao khát tự nhiên của con người không? Một bác sĩ viết trong một tờ báo Đức: “Niềm ao ước được sống đời đời có lẽ xưa bằng sự hiện hữu của nhân loại”. Miêu tả tín ngưỡng của một số người Âu Châu cổ đại, bách khoa tự điển The New Encyclopædia Britannica ghi nhận: “Những người xứng đáng sẽ sống đời đời trong một lâu đài lộng lẫy mạ vàng”. Và người ta đã cố gắng biết bao hầu thỏa mãn lòng khao khát được sống đời đời!
Cuốn Encyclopedia Americana nhận xét rằng cách đây hơn 2.000 năm ở bên Trung Hoa, “các hoàng đế và dân [thường] cũng thế, dưới sự lãnh đạo của các đạo sĩ Lão Giáo, bỏ bê công ăn việc làm để đi tìm thuốc trường sinh”—cũng gọi là suối thanh xuân. Quả thật, trong suốt lịch sử, người ta tin rằng nhờ dùng các thuốc bào chế khác nhau hoặc ngay cả uống một loại nước nào đó, họ có thể trẻ mãi.
10. Có cố gắng hiện đại nào khiến cho việc kéo dài đời sống có thể đạt được?
10 Các cố gắng thời nay nhằm thỏa mãn lòng khao khát bẩm sinh của con người để được sống đời đời không kém phần đáng kể. Một thí dụ nổi bật là thực hành làm đông lạnh xác người chết với hy vọng có thể hồi sinh người đó trong tương lai khi người ta tìm ra phương thuốc chữa bệnh. Một người đề xướng thực hành này, gọi là ướp lạnh, viết: “Nếu sự lạc quan của chúng ta có căn bản và nếu người ta biết làm cách nào chữa bệnh hoặc sửa chữa mọi hư hại—kể cả sự tàn phế của tuổi già—thì những người ‘chết’ đi bây giờ sẽ có một đời sống kéo dài cho đến vô tận trong tương lai”.
11. Tại sao người ta khao khát được sống đời đời?
11 Bạn có lẽ hỏi: Tại sao lòng khao khát được sống đời đời in sâu vào thâm tâm chúng ta? Có phải là vì Đức Chúa Trời “gieo rắc ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người” không? (Truyền-đạo 3:11Bản Diễn Ý) Đây là một điều cần nghĩ ngợi nghiêm chỉnh! Hãy thử nghĩ: Tại sao chúng ta có sự khát khao bẩm sinh để sống đời đời—mãi mãi—nếu không phải là do Đấng Tạo Hóa có ý định làm thỏa mãn sự khao khát này? Ngài có yêu thương không khi tạo ra chúng ta với khát vọng sống đời đời và rồi làm chúng ta thất vọng bằng cách không bao giờ để cho chúng ta được mãn nguyện?—Thi-thiên 145:16.
Chúng ta phải tin cậy nơi ai?
12. Một số người tin tưởng điều gì, nhưng bạn nghĩ điều đó có hợp lý không?
12 Nhưng chúng ta nên đặt sự tin cậy nơi đâu hoặc nơi điều gì để đạt đến sự sống đời đời? Nơi kỹ thuật của thế kỷ 20 hoặc thế kỷ 21 ư? Bài “Họ muốn sống” trong tạp chí The New York Times Magazine có nói về “thần thánh: kỹ thuật” và “những sự nhiệt tình về tiềm năng của kỹ thuật”. Một nhà khảo cứu thậm chí được cho rằng đã “tin cậy triệt để... rằng các kỹ thuật thao tác trên gen sẽ kịp thời được phổ biến để cứu [chúng ta] khỏi già đi, có lẽ làm chúng ta trẻ lại”. Nhưng thật ra, những nỗ lực của con người đã chứng tỏ hoàn toàn vô hiệu quả trong việc chận đứng sự lão hóa hoặc sự chết.
13. Làm thế nào cách cấu trúc của não bộ ám chỉ rằng chúng ta được tạo ra để sống đời đời?
13 Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là không có cách nào để đạt đến sự sống đời đời hay sao? Hoàn toàn không phải như vậy! Có một cách! Sự cấu trúc kỳ diệu của não bộ, với khả năng học hỏi hầu như vô hạn của nó nên khiến chúng ta tin chắc điều này. Nhà phân tử sinh vật học James Watson gọi não bộ của chúng ta là “vật phức tạp nhất mà chúng ta đã và đang khám phá ra trong vũ trụ”. Và nhà thần kinh học Richard Restak nói: “Không có nơi nào trong vũ trụ có được một vật gì từa tựa như não bộ chúng ta”. Tại sao chúng ta lại có não bộ với khả năng tích lũy và hấp thụ tin tức hầu như vô hạn định và một thân thể được thiết kế để hoạt động mãi mãi nếu chúng ta không được tạo ra để sống đời đời?
14. (a) Những người viết Kinh Thánh kết luận gì về đời người? (b) Tại sao chúng ta phải đặt tin cậy nơi Đức Chúa Trời chứ không nơi loài người?
14 Vậy dựa trên các sự kiện, chúng ta có thể đi đến kết luận hợp lý duy nhất nào? Chẳng lẽ bạn không đồng ý rằng chúng ta đã được thiết kế và tạo ra bởi một Đấng Tạo Hóa thông minh, toàn năng để sống đời đời hay sao? (Gióp 10:8; Thi-thiên 36:9; 100:3; Ma-la-chi 2:10;Công-vụ các Sứ-đồ 17:24, 25) Do đó, chẳng phải chúng ta nên khôn ngoan, nghe theo mệnh lệnh được soi dẫn của người viết Thi-thiên trong Kinh Thánh: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ” hay sao? Tại sao chúng ta không nên tin cậy loài người? Bởi vì như người viết Thi-thiên nói: “Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. Quả thật, bất kể tiềm năng để sống đời đời, người ta bất lực trước sự chết. Người viết Thi-thiên kết luận: “Phước cho người nào... để lòng trông-cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình”.—Thi-thiên 146:3-5.
Có phải thật sự là ý định Đức Chúa Trời không?
15. Điều gì chứng tỏ Đức Chúa Trời có ý định cho chúng ta sống đời đời?
15 Nhưng bạn có thể hỏi: Đức Giê-hô-va có thật sự có ý định cho chúng ta hưởng được sự sống đời đời không? Có chứ! Lời Ngài đã hứa điều đó hàng chục lần. Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời”. Và tôi tớ Đức Chúa Trời là Giăng viết: “Lời hứa mà chính [Đức Chúa Trời] đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời”. Chẳng lạ gì khi một người đàn ông trẻ hỏi Chúa Giê-su: “Thưa thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” (Rô-ma 6:23; 1 Giăng 2:25; Ma-thi-ơ 19:16) Thật vậy, sứ đồ Phao-lô viết về “trông-cậy sự sống đời đời,—là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước”.—Tít 1:2.
16. Đức Chúa Trời hứa về sự sống đời đời “từ muôn đời về trước” theo ý nghĩa nào?
16 Đức Chúa Trời hứa về sự sống đời đời “từ muôn đời về trước”, điều đó có nghĩa gì? Một số người nghĩ rằng sứ đồ Phao-lô có ý nói trước khi cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, được dựng nên, Đức Chúa Trời có ý định cho loài người sống đời đời. Tuy nhiên, nếu Phao-lô có ý nói về lúc loài người đã được tạo dựng và khi Đức Giê-hô-va nói ra ý định của Ngài, thì ý muốn Đức Chúa Trời cho loài người sống đời đời vẫn là rõ ràng.
17. Tại sao A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, và tại sao các thần chê-ru-bim được đặt tại lối vào?
17 Kinh Thánh nói rằng trong vườn Ê-đen, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên... cây sự sống”. Chúng ta được biết lý do A-đam bị đuổi ra khỏi vườn là để ông không thể ‘giơ tay lên hái trái cây sự sống mà ăn và được sống’—đúng vậy, sống đời đời! Sau khi đuổi A-đam và Ê-va khỏi vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đặt “các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”.—Sáng-thế Ký 2:9; 3:22-24.
18. (a) Ăn trái cây sự sống có ý nghĩa gì đối với A-đam và Ê-va? (b) Ăn trái của cây đó tượng trưng cho điều gì?
18 Nếu A-đam và Ê-va được phép ăn trái cây sự sống, điều đó có nghĩa gì đối với họ? Họ ắt có đặc ân sống đời đời trong Địa Đàng! Một học giả Kinh Thánh đoán: “Cây sự sống tất phải có một quyền lực nào đó nhờ vậy cơ thể người ta mới tránh được sự tiều tụy của tuổi già hoặc suy yếu dẫn đến sự chết”. Ông còn cho rằng “hồi xưa ở trong địa đàng có một thứ cây cỏ có công dụng triệt tiêu hậu quả” của sự lão hóa. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói rằng cây sự sống tự nó có những đặc tính ban cho sự sống. Thay vì vậy, cây ấy chỉ tượng trưng cho lời bảo đảm của Đức Chúa Trời về sự sống đời đời cho người nào được phép ăn trái của cây đó mà thôi.—Khải-huyền 2:7.
Ý định Đức Chúa Trời không thay đổi
19. Tại sao A-đam chết và tại sao chúng ta, con cháu ông, cũng chết?
19 Khi phạm tội, A-đam đánh mất quyền được sống đời đời của chính mình và của tất cả con cháu chưa được sinh ra. (Sáng-thế Ký 2:17) Khi trở thành người có tội vì không vâng lời, ông trở nên khiếm khuyết, bất toàn. Từ đó về sau, thân thể A-đam, trên thực tế, hướng về sự chết. Như Kinh Thánh nói “tiền công của tội-lỗi là sự chết”. (Rô-ma 6:23) Hơn nữa, con cháu bất toàn của A-đam cũng đã hướng về sự chết, chứ không phải hướng về sự sống đời đời. Kinh Thánh giải thích: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 5:12.
20. Điều gì cho thấy nhân loại được tạo ra để sống đời đời trên đất?
20 Nhưng nói gì nếu A-đam không phạm tội? Còn nếu ông không cãi lời Đức Chúa Trời và được phép ăn trái cây sự sống thì sao? Đức Chúa Trời cho ông sống đời đời ở đâu? Ở trên trời chăng? Không! Đức Chúa Trời không nói gì về việc A-đam được đi lên trời. Ông đã được giao cho công việc để làm trên đất. Kinh Thánh giải thích rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon”, và nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn”. (Sáng-thế Ký 2:9, 15) Sau khi Ê-va được tạo ra để làm vợ của A-đam, hai vợ chồng họ được giao thêm những việc khác trên đất. Đức Chúa Trời dặn bảo họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất”.—Sáng-thế Ký 1:28.
21. Hai người đầu tiên được hưởng triển vọng tuyệt diệu nào?
21 Hãy nghĩ đến những triển vọng kỳ diệu trên đất đã mở ra trước mắt A-đam và Ê-va qua những lời phán dạy đó! Họ sẽ nuôi nấng con trai và con gái hoàn toàn khỏe mạnh trong Địa Đàng trên đất. Khi con cái yêu dấu của họ lớn lên, chúng sẽ cùng họ sinh sản thêm nhiều và tham gia công việc thích thú là trồng vườn để duy trì Địa Đàng đó. Với tất cả thú vật đều phục tùng họ, đời sống họ hẳn sẽ mãn nguyện lắm. Hãy nghĩ đến niềm vui nới rộng ranh giới vườn Ê-đen đến độ cả trái đất sẽ trở thành một địa đàng! Bạn có thích cùng con cái hoàn toàn vui hưởng sự sống trong nơi mỹ miều xinh đẹp như vậy ngay trên đất, không lo lắng gì về tuổi già và sự chết không? Hãy để cho lòng bạn thúc đẩy bạn trả lời câu hỏi đó.
22. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời không thay đổi ý định đối với trái đất?
22 Vậy thì khi A-đam và Ê-va cãi lời và bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời có thay đổi ý định của Ngài đối với nhân loại là cho họ sống đời đời trong Địa Đàng trên đất không? Chắc chắn là không! Vì nếu làm như thế, Đức Chúa Trời hẳn tự thú nhận là Ngài thất bại, không khả năng thực hiện ý định ban đầu của Ngài. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời làm những điều Ngài hứa, như chính Ngài tuyên bố: “Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”.—Ê-sai 55:11.
23. (a) Điều gì khẳng định là Đức Chúa Trời có ý định cho những người công bình sống đời đời trên đất? (b) Chúng ta bàn luận điều gì trong bài tới?
23 Kinh Thánh cho thấy rõ ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất không thay đổi, vì Đức Chúa Trời hứa: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Trong Bài Giảng trên Núi, ngay cả Chúa Giê-su Christ nói rằng người nhu mì sẽ thừa hưởng trái đất. (Thi-thiên 37:29; Ma-thi-ơ 5:5) Vậy thì làm thế nào để đạt được sự sống đời đời, và chúng ta phải làm gì để hưởng được đời sống đó? Bài tới sẽ bàn luận về điều đó.
Bạn trả lời thế nào?
□ Tại sao nhiều người tin rằng con người có thể sống đời đời?
□ Điều gì thuyết phục chúng ta tin rằng mình được tạo ra để sống đời đời?
□ Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời cho loài người và trái đất là gì?
□ Tại sao chúng ta có thể chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ thực hiện ý định ban đầu của Ngài?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến